Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Tục lệ cúng cô hồn ở Việt Nam

Cúng cô hồn là một hoạt động tín ngưỡng phổ biến tại Việt Nam.
Theo tục lệ  thờ cúng tổ tiên và người thân đã qua đời, Cúng cô hồn có thể là một hành vi mang tính nhân đạo, để "cứu giúp" những linh hồn khốn khổ. Nhưng đồng thời, cúng cô hồn cũng có thể là một hình thức "hối lộ" để khỏi bị các oan hồn quấy phá, hoặc để được họ "hỗ trợ".
Có những gia đình làm kinh doanh, họ cúng cô hồn nhiều lần trong năm, thường vào các ngày 2 và 16 âm lịch mỗi tháng. Trong các dịp cúng giỗ, ngoài cúng vái tổ tiên, người ta còn làm một mâm cỗ để cúng cô hồn. Dịp cúng cô hồn lớn nhất là ngày rằm tháng bảy, trùng với lễ Vu Lan của Phật giáo. Một số người tin rằng việc cúng cô hồn bắt nguồn từ ngày lễ Vu Lan này.
Để cúng, người ta hay thắp hương, đèn (hoặc nến). Thường thì người ta khấn vái thầm thì với nội dung mời "bà con cô bác" (ý nói các cô hồn) thụ hưởng các món cúng. Đôi khi người ta đọc một bài văn tế cô hồn (thường là dạng văn vần), trong đó có thể miêu tả các cái chết thảm khốc. Bài văn tế nổi tiếng nhất có lẽ là bài Văn tế thập loại chúng sinh của đại thi hào Nguyễn Du. Nhiều bài tế cô hồn phóng tác dựa theo tác phẩm này với nội dung phù hợp với hoàn cảnh của địa phương nơi cúng.
Các món đem cúng thường luôn có hương, hoa, đèn; gạo, muối, nước lã là những đồ cúng thô hầu như luôn có, kèm theo là các món ăn, tráng miệng v.v. Trong chùa hoặc tại các gia đình có truyền thống Phật giáo, người ta cúng bằng các mónăn chay. Một món đặc biệt hay gặp trong mâm cỗ cúng cô hồn là món cháo loãng, người ta tin rằng món này dành cho những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp không thể nuốt được thức ăn thông thường.

Buổi cúng thường kết thúc với việc vãi gạo, muối ra sân, ra đường và đốt vàngmã. Ở vài nơi, người ta cho phép trẻ con cướp (cỗ) cô hồn khi việc cúng được tiến hành xong.